Mát lòng quán cơm 2.000 đồng phục vụ người khó khăn ở TP.HCM
Quán do hội cựu học sinh Trường Petrus Ký – Lê Hồng Phong thành lập, đã hoạt động hơn 9 năm nay. Ông Nguyễn Minh Nghĩa (72 tuổi) là chủ nhiệm. Quán cơm 2.000 đồng vừa đổi địa chỉ mới về 239 Lý Thường Kiệt, Q.11, bán chính thức ngày 26.11 vừa qua.Vận hành bằng sự tử tếTừ 5 giờ sáng, bếp đã đỏ lửa. Chị Trương Thị Hoàng Vy (48 tuổi), “bếp chính” của quán, đến rất sớm để chuẩn bị bữa ăn cùng các tình nguyện viên. Chị chịu trách nhiệm lên thực đơn mỗi ngày, đầy đủ món canh, xào, mặn, thay đổi liên tục để không bị trùng. “Nếu được nhà hảo tâm tài trợ, bữa ăn có thêm bánh mì, kẹo, sữa để các vị khách đem về. Không chỉ vậy, quán cũng phục vụ bữa chay vào ngày rằm hay mùng 1. Tôi luôn cố gắng chỉn chu từng bữa ăn, dù là 2.000 đồng thì cũng phải làm đàng hoàng để khách hàng yên tâm dùng bữa”, chị nói.GS-TS Lê Ngọc Thạch là thành viên của hội cựu học sinh Trường Petrus Ký – Lê Hồng Phong, tự hào là tình nguyện viên lâu năm của quánẢNH: NGỌC NGỌCThực đơn ngày 28.11 khi chúng tôi ghé gồm có thịt kho củ cải, bầu luộc, canh cải ngọt thịt xay. Các phần ăn tại chỗ được đặt trong khay kim loại, kèm một chén rau, canh thì chưa múc vì sợ nguội ăn không ngon. Quán cũng đóng hộp các phần bán mang về. Gần 10 tình nguyện viên từ trung niên đến sinh viên phối hợp nhau, mỗi người mỗi việc chuẩn bị những bữa ăn chất lượng.GS-TS Lê Ngọc Thạch, một trong những người sáng lập và tài trợ cho quán Mây Ngàn 1, chia sẻ: “Quán vận hành bằng sự tử tế, từ yêu thương của nhà hảo tâm, từ sự nhiệt tình của tình nguyện viên và ủng hộ hết lòng của người dân đến dùng bữa. Vậy nên thời gian đầu tuy có khó khăn nhưng hiện tại đã ổn định”. Ở tuổi 76, ông vẫn dành thời gian đến quán vào mỗi thứ năm để hỗ trợ múc canh.Quán bắt đầu phục vụ tại chỗ từ 9 giờ 15 phút, đến 10 giờ thì chuyển sang bán mang về. Chưa tới giờ mở cửa, một hàng dài người đã xếp ngay ngắn trước quán. Ai nấy í ới chỉ nhau chỗ để xe, tránh lấn chiếm lòng lề đường và chừa chỗ cho người đến sau.”Lên đời” quán cơm nghĩa tìnhChuyển sang địa chỉ mới, quán nằm ngay mặt tiền, có không gian máy lạnh và thoáng đãng, rộng rãi hơn. Một bình trà đá lớn được đặt trước quán. Trên bàn, cơm thêm, nước thịt, nước tương, ớt cũng được chuẩn bị sẵn, người ăn có thể lấy không giới hạn.Khách đến quán cơm có thể là bất kỳ ai, thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Chỉ cần đưa 2.000 đồng, họ sẽ được phát thẻ rồi vào dùng bữa. Vì lượng khách đông nên mỗi lần chỉ có thể phục vụ tối đa 30 lượt ăn tại chỗ. Do đó, các tình nguyện viên người điều phối, người chạy bàn, người múc canh, người rửa chén tất bật, không để các vị khách phải đợi lâu.Nhà ở Q.Phú Nhuận, mỗi lần đi khám bệnh, bà Nguyễn Thị Diễm Lan (64 tuổi) sẽ ghé quán ăn. “Tôi ăn ở đây được 2 năm rồi từ hồi còn ở chỗ cũ. Bữa cơm 2.000 đồng nhưng rất chất lượng, lần đầu tiên đến đã ấn tượng nhân viên quán nhiệt tình, niềm nở, phục vụ tận bàn”, bà nói. Bà Lan chia sẻ bản thân nghỉ hưu đã lâu mà bệnh nặng phải mổ, không có tiền nên phải cố gắng tiết kiệm bằng những bữa cơm nghĩa tình. Nếu được tặng thêm trái cây, bánh, sữa, bà sẽ để dành mang về nhà chứ không ăn ngay.Các tình nguyện viên mỗi người mỗi việc, chuẩn bị bữa ăn từ sáng sớmSau khi ăn xong, ông Trần Ngọc Hải (60 tuổi) bày tỏ niềm hạnh phúc vì bữa cơm chất lượng: “Ngày nào quán hoạt động tôi đều ghé qua. Tôi chạy xe ôm suốt ngày, bình thường phần ăn ngoài hàng 35.000 – 40.000 đồng đắt lắm. Ăn ở đây thì giảm phần nào chi phí để lo cho mấy khoản khác, tiết kiệm thời gian nấu ăn ở nhà”. Ông Hải khen đồ ăn rất vừa khẩu vị, được chị bếp đổi món liên tục, cùng thịt heo mà bữa thì thịt kho tiêu, thịt kho hột vịt,… rất phong phú. Ông muốn dành lời cảm ơn cho những nhà hảo tâm, những tình nguyện viên đã hết lòng vì bữa cơm no đủ cho người có hoàn cảnh khó khăn.Những phần ăn đủ món được chuẩn bị chỉn chu, sắp xếp đẹp mắt